Đối thoại trực tuyến chủ đề “Đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu hướng tới không sử dụng tiền mặt trong thanh toán tiền điện”
Từ 15h00’ đến 15h45’ ngày 19/7/2019

Từ 15h00 đến 15h45 ngày 19/7/2019 (thứ Sáu), lãnh đạo Công ty Điện lực Hải Phòng sẽ chủ trì Đối thoại trực tuyến với các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử thành phố, với chủ đề “Đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu hướng tới không sử dụng tiền mặt trong thanh toán tiền điện”.

Các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm xin gửi câu hỏi, ý kiến qua các địa chỉ sau:

+ Chuyên trang Đối thoại trực tuyến, Cổng thông tin điện tử thành phố, địa chỉ: doithoaitructuyen.haiphong.gov.vn.

+ Số điện thoại: 02253.821055 của Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử thành phố.

+ Thư điện tử của Ban biên tập Cổng thông tin điện tử thành phố: congthongtindientu@haiphong.gov.vn.

+ Fanpage của Cổng thông tin điện tử thành phố trên Facebook: HAIPHONG.GOV.VN - Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Trân trọng kính mời các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp./.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa bạn đọc Cổng thông tin điện tử thành phố!

“Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo tất cả các công ty điện lực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng các giải pháp điện tử, di động; trong năm 2019 tăng gấp đôi số người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán điện tử”.

Đó là chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 ngày 1/1/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cái thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Nhằm thông tin, đối thoại về các vấn đề liên quan đến triển khai thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02 và các quy định khác có liên quan; việc đơn giản hóa các thủ tục thanh toán tiền điện bằng phương thức không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho các tổ chức, người dân tiếp cận, thanh toán một cách thuận lợi nhất, đồng thời trao đổi, đối thoại minh bạch giúp người dân, tổ chức có được những thông tin cụ thể về vấn đề này, hôm nay, Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử thành phố tổ chức phiên đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu hướng tới không sử dụng tiền mặt trong thanh toán tiền điện”.

Tham dự và chủ trì phiên đối thoại, xin trân trọng giới thiệu:

- Ông Nguyễn Kim Pha, Chánh Văn phòng UBNDTP, Người phát ngôn của UBND thành phố, Trưởng BBT Cổng TTĐT thành phố;

Đồng chủ trì phiên đối thoại, trân trọng giới thiệu:

- Ông Nguyễn Hữu Hưởng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng

Cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các phòng, đơn vị thuộc Công ty Điện lực Hải Phòng, Văn phòng UBND thành phố, các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin.

Sau đây phiên đối thoại trực tuyến xin được bắt đầu. Nội dung phiên đối thoại đang được đăng tải trực tiếp tại địa chỉ: haiphong.gov.vn

Một bạn đọc () - 19/07/2019 15:11
Thanh toán tiền điện qua ngân hàng sẽ ngày càng trở nên thông dụng đối với khách hàng sử dụng điện và trở thành xu thế phát triển tất yếu của xã hội hiện đại. Nhằm thực hiện hóa Đề án của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua Điện lực Hải Phòng đã triển khai những giải pháp gì để nâng cao tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian?
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Nguyễn Hữu Hưởng

Chúng tôi xin trả lời câu hỏi này như sau:

Những giải pháp để nâng cao tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian:

1. Công ty đã báo cáo UBND Thành phố xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 14/3/2019, UBND Thành phố Hải Phòng đã có công văn 1292/UBND-CT về việc phối hợp triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.

2. Tổ chức hội nghị tại tất cả các Quận, huyện, với sự tham gia của Lãnh đạo và các ban ngành, phòng ban đơn vị đang hưởng lương ngân sách trên địa bàn Quận, huyện, đại diện UBND các Phường xã và các Ngân hàng... thực hiện triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.


3. Tuyên truyền vận động cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, người dân thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt như: Truyền thông qua báo, đài truyền hình địa phương về lợi ích của việc chuyển đổi công tác thanh toán tiền điện bằng tiền mặt tại quầy của điện lực sang thanh toán tiền điện qua các Ngân hàng.

4. Chủ động phối hợp với ngân hàng và tổ chức trung gian mở cổng kho dữ liệu để thực hiện, chuyển đổi thanh toán từ các điểm thu tập trung của Điện lực sang thanh toán tại các quầy giao dịch của ngân hàng, tổ chức thu hộ tiền điện.

Đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ thanh toán tiền điện qua Ngân hàng và tổ chức trung gian khác đạt 48,41%.

Một bạn đọc () - 19/07/2019 15:12
Liên quan đến việc phối hợp triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ theo đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thành phố đã có lộ trình triển khai như thế nào?
Chánh Văn phòng UBND thành phố, Trưởng BBT Cổng TTĐT thành phố Nguyễn Kim Pha

Nhằm triển khai các biện pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 theo yêu cầu tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.


Ngày 14/3/2019, UBND thành phố đã có văn bản 1292 giao Sở Tài chính phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng hướng dẫn các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý; và các cán bộ, công chức, người lao động thuộc các đơn vị trên thực hiện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 và các quy định khác có liên quan.

UBND thành phố cũng giao Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng chủ trì cùng với các tổ chức ngân hàng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho các tổ chức, người dân tiếp cận thanh toán một cách thuận lợi nhất; bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, áp dụng hình thức thu tiền điện phù hợp, linh hoạt đối với từng đối tượng chính sách, người cao tuổi, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Một bạn đọc () - 19/07/2019 15:13
Hiện nay, rất nhiều quốc gia Đông Nam Á đã áp dụng việc chốt lượng điện năng tiêu thụ bằng phần mềm máy tính, thông báo cho khách hàng lượng điện năng tiêu thụ, kế hoạch thanh toán cộng với việc thanh toán tự động qua tài khoản ngân hàng. Xin ông cho biết còn những vướng mắc, những rào cản gì khiến ngành điện của chúng ta chưa làm được?
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Nguyễn Hữu Hưởng

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đang triển khai hình thức chốt điện năng tiêu thụ như sau:

- Các khách hàng mua điện trên địa bàn các quận, huyện Lê Chân, Hải An, Cát Hải và một phần các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền đã được lắp đặt công tơ điện tử có đo xa, Công ty thực hiện chốt chỉ số từ xa trên phần mềm máy tính, thực hiện việc in sao kê hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp để khách hàng có thể dễ dàng tra cứu sản lượng điện của sử dụng của mình qua các tháng. Thông báo tới khách hàng bằng việc thực hiện việc nhắn tin sản lượng và tiền điện tiêu thụ qua zalo, email và tin nhắn SMS truyền thống (phần mềm máy tính).


- Đối với các công tơ cơ khí chưa có hệ thống đo xa, Công ty thực hiện việc ghi chỉ số bằng camera và thực hiện các bước còn lại giống như công tơ điện tử đã nêu ở trên. Các khách hàng có thể dễ dàng tra cứu thông tin sử dụng điện của mình tại địa chỉ website http://cskh.npc.com.vn.

Sau khi nhận được tin nhắn thông báo tiền điện khách hàng có thể thực hiện được thanh toán bằng nhiều hình thức như sau:

+ Thanh toán tại bất kỳ Chi nhánh, Phòng giao dịch nào gần nhất của Ngân hàng.

+ Thanh toán hình thức Chuyển khoản; Ủy nhiệm chi qua tài khoản tại ngân hàng; Nộp tiền mặt tại quầy giao dịch gần nhất; Thanh toán qua thẻ ATM; 

+ Thanh toán trên điện thoại di động; hoặc dịch vụ ngân hàng điện tử tùy thuộc vào dịch vụ mà Ngân hàng quý khách có tài khoản tiền mặt.

+ Thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử như Internet Banking, ứng dụng trên di dộng….

Một số vướng mắc, rào cản trong quá trình triển khai:

- Để thực hiện đồng bộ hóa toàn bộ các khâu trước hết bằng việc thay thế toàn bộ các công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có đo xa đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Song song với đó là việc thực hiện thay thế định kỳ, nâng cấp đường truyền mạng internet phục vụ công tác cập nhật, tính toán hóa đơn tiền điện được nhanh chóng. Đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý tại các khu vực. Toàn bộ công tác trên phải diễn ra đồng bộ, liên tục đòi hỏi thời gian và nguồn vốn tương đối lớn.

- Thói quen sử dụng tiền mặt nên không đăng ký, khách hàng là người lớn tuổi không quen sử dụng các thiết bị công nghệ như: Điện thoại Smartphone, máy tính… để vào các trang thanh toán điện tử, khách hàng không để số dư trong tài khoản, khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt hầu hết là sản xuất thủ công nhỏ lẻ chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được các phương thức giao dịch tiện lợi, hiện đại như internet banking, mobile banking… là một trong những khó khăn trong việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

- Cơ sở hạ tầng của các ngân hàng, tổ chức trung gian hiện nay chủ yếu tập trung ở nội thành và các khu đông dân cư dẫn đến việc phát triển khách hàng ở khu vực ngoại thành còn hạn chế.

- Công tác truyền thông của ngành Điện, ngân hàng và các đối tác vẫn chưa thực sự phát huy được tính hiệu quả, chưa có nhiều các chương trình khuyến mãi để thu hút và khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ…

Hoàng Tuấn Anh (Tổ 29 Vĩnh Niệm, quận Lê Chân ) - 19/07/2019 15:16
Hiện nay việc thanh toán tiền điện vẫn rất thủ công, lãng phí nhân lực và thời gian của cả ngành điện lẫn người tiêu dùng, thời gian tới ngành điện có lộ trình như thế nào về vấn đề này?
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Nguyễn Hữu Hưởng

Chúng tôi xin trả lời câu hỏi này như sau:

Hiện nay Công ty ĐLHP đã hợp tác 09 Ngân hàng và 04 tổ chức trung gian thực hiện thu hộ tiền điện với các loại hình dịch vụ như: Thu tiền điện tại quầy giao dịch; Thu tiền điện qua ATM; Thu tiền điện qua Internet Banking, Mobile Banking và thu tiền điện trích nợ tự động….


Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, hòa nhập vào xu thế phát triển của xã hội, hình thức giao dịch thanh toán tiền ngày càng được phổ biến rộng rãi thông qua các giao dịch thanh toán như: Internet, Mobile, ATM, trích nợ tài khoản tự động…..nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán trong giao dịch. Trong đó có giao dịch thanh toán tiền điện qua các kênh thanh toán của Ngân hàng là một trong những giao dịch thuận tiện, hiệu quả, có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với giao dịch thanh toán tiền điện truyền thống, đem lại nhiều tiện ích, lựa chọn cho khách hàng, tránh được rủi ro, tiết kiệm thời gian và nhân lực.

* Lợi ích đối với khách hàng:

- Thanh toán linh hoạt, các hình thức thanh toán tiện lợi;

- Tạo sự tiện lợi, thoải mái cho khách hàng khi thanh toán qua Ngân hàng;

- Bảo mật thông tin cho khách hàng và cho dữ liệu của Công ty ĐL;

- Khách hàng có thể lựa chọn thanh toán ở nhiều điểm thanh toán (khác quận/huyện, khác tỉnh/thành…)

* Kết quả thực hiện đến 30/6/2019:

- Toàn Công ty có 231.563/478.320 Hóa đơn thanh toán tiền điện qua Ngân hàng và các tổ chức trung gian, đạt tỷ lệ 48,41 % số hóa đơn phát sinh trong toàn Công ty. (tăng 8,4% so với tháng 12/2018)

- Có 72.570 khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt (chiếm tỷ lệ 15,20%).

- Số tiền thanh toán qua Ngân hàng, tổ chức trung gian 1.010,725/1.194,832 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 84,19% số thu tiền điện toàn Công ty.

* Lộ trình tăng tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt:

- Thực hiện đối với tất cả các khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt và các khách hàng là đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước… sẽ thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt như: trích nợ tự động, thanh toán qua tài khoản từ tháng 6/2019.

- Tiếp tục tuyên truyền, truyền thông qua báo, đài truyền hình địa phương, loa phát thanh… tới tất cả người dân về lợi ích của việc thực hiện thanh toán tiền điện bằng tiền mặt sang thanh toán tiền điện qua các Ngân hàng.

- Phối hợp với Ngân hàng để tiếp cận các khách hàng đã có tài khoản đăng ký thanh toán tiền điện tự động, dự kiến đến hết năm 2019, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua Ngân hàng, tổ chức trung gian đạt 70%; đến năm 2020 là 85% và đến năm 2025 đạt 100%.

Đức Trung (Phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng ) - 19/07/2019 15:19
Chúng ta đang trong cao điểm của mùa nắng nóng, nhu cầu dùng điện đã tăng đột biến, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong các khu dân cư do tình trạng quá tải vào các khung giờ cao điểm nên rơ le bị đóng ngắt liên tục đã gây những ảnh hưởng không nhỏ đặc biệt với các thiết bị điện tử, thiết bị số và một số loại hình sản xuất đặc thù khác như in ấn, thiết bị lazer… Về vấn đề này Điện lực Hải Phòng có những phương án hay giải pháp gì để hỗ trợ không?
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Nguyễn Hữu Hưởng

Cảm ơn câu hỏi của bạn! Tôi xin trả lời câu hỏi như sau:

Công ty đã thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng, quản lý kỹ thuật vận hành để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đảm bảo chất lượng điện năng không để xảy ra tình trạng quá tải trên lưới điện. Đối với KH sử dụng điện Công ty có khuến cáo gì? Cụ thể:

- Giải pháp đầu tư xây dựng:

Xây dựng lưới điện 110kV đảm bảo tiêu chuẩn N-1. Đảm bảo lưới điện vận hành ở điều kiện bình thường không vượt quá 75% tải định mức các MBA và 50% tải định mức của các đường dây; không để xảy ra tình trạng non tải và quá tải kéo dài.

Xây dựng mới các mạch vòng trung thế nhằm đảm bảo vận hành theo tiêu chí N-1. Cải tạo lưới điện 10kV lên 22kV.

Xây dựng các TBA phân phối mới để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

- Giải pháp quản lý kỹ thuật vận hành:

Thực hiện chế độ kiểm tra lưới điện đúng quy trình, thường xuyên theo dõi tình trạng mang tải đường dây - TBA để kịp thời có biện pháp xử lý như: cân pha san tải; hợp lý hoá bán kính cấp điện; hoán chuyển hợp lý các MBA đầy, non tải;  nâng tiết diện các lộ đường dây có công suất phụ tải tăng nhanh, lắp đặt thêm TBA, cải tạo kết cấu lưới; đảm bảo chất lượng điện áp: đặt nấc phân áp MBA, lắp đặt tụ bù, …


Công ty đề nghị khách hàng phối hợp thực hiện một số giải pháp:

- Điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm.

- Thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.

- Kiểm tra, rà soát chất lượng hệ thống bảo vệ, thiết bị điện - điện tử, ... phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, làm việc tốt khi chất lượng điện năng đã đảm bảo theo thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 28/11/2015 của Bộ Công thương.

Khuyến cáo: Để đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ sinh hoạt, SXKD của nhân dân thành phố, tránh tình trạng quá tải lưới điện và tiết kiệm kinh phí đối với các KH dùng điện, Công ty Điện lực hải phòng đề nghị nhân dân một số nội dung sau:

Sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, an toàn.

Không nên dùng thiết bị điện có công suất lớn (Điều hòa, Bình nóng lạnh, Ấm siêu tốc...) cùng một lúc đặc biệt là trong các giờ cao điểm và sử dụng các thiết bị ở chế độ hợp lý, hiệu quả.

Lê Quang Hưng (Công ty TNHH Protech) - 19/07/2019 15:23
Thời gian qua, việc xử lý không dứt điểm và triệt để các vi phạm hành lang lưới điện cao áp đang tồn tại ở một số địa phương trên địa bàn thành phố dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố lưới điện, ảnh hưởng quá trình vận hành an toàn ổn định của hệ thống lưới điện cao áp? Xin cho biết, thành phố đã có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này chưa?
Chánh Văn phòng UBND thành phố, Trưởng BBT Cổng TTĐT thành phố Nguyễn Kim Pha

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại 10 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, bao gồm cả trường hợp vi phạm phát sinh mới. Trong các trường hợp vi phạm nêu trên, một số vi phạm đã được đơn vị quản lý vận hành phối hợp với UBND, Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại địa phương lập biên bản để xử lý theo quy định…

Tuy nhiên, đến nay các trường hợp vi phạm vẫn chưa được các địa phương xử lý triệt để, dứt điểm, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố lưới điện, ảnh hưởng đến quá trình vận hành an toàn ổn định của hệ thống lưới điện cao áp, hệ thống điện quốc gia trên địa bàn thành phố; trực tiếp đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân khi sinh sống, hoạt động dưới hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.


Để thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp theo quy định tại Luật Điện lực và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; đảm bảo quá trình cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định của hệ thống lưới điện cao áp trên địa bàn thành phố đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Vừa qua, ngày 12/7/2019, UBND thành phố đã có văn bản số 2385 giao cho Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng và Truyền tải điện Đông Bắc 2 (đơn vị quản lý vận hành lưới điện) nghiên cứu đề xuất các biện pháp, giải pháp về kỹ thuật cần thiết để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp. Đồng thời, hỗ trợ UBND các quận, huyện: Hải An, Hồng Bàng, An Dương, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm nêu trên.

UBND thành phố cũng đã yêu cầu các địa phương trên chủ động rà soát, kiểm tra, tuyên truyền vận động các trường hợp vi phạm hành lang lưới điện cao áp còn tồn tại trên địa bàn, xử lý dứt điểm để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cao áp tại địa phương theo quy định. Báo cáo kết quả xử lý về Sở Công Thương (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp thành phố).

Giao Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao; tổng hợp kết quả xử lý, báo cáo UBND thành phố trong tháng 8/2019.

Facebook tên Hòa Minh () - 19/07/2019 15:26
Hình thức thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt được thực hiện với sự kết hợp của ngân hàng và các tổ chức trung gian. Tuy nhiên những hình thức này rất dễ xảy ra giả mạo để trục lợi từ khách hàng. Công ty Điện lực có giải pháp nào trong việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng hay không?
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Nguyễn Hữu Hưởng

Trân trọng cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi xin được trả lời như sau:

 Công ty luôn có các giải pháp trong việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng như sau:

- Công ty ĐLHP đã hợp tác với 09 Ngân hàng và 04 tổ chức trung gian về thu hộ tiền điện. Các tổ chức này đều được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian (bằng tiền mặt/ qua ví điện tử).

- Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Công ty công khai danh sách các đơn vị có thể thực hiện thu hộ tiền điện đến toàn thể khách hàng mua điện được biết.


- Căn cứ Hợp đồng thu hộ tiền điện, các Ngân hàng, tổ chức trung gian chỉ được thu tiền điện trên chương trình thu hộ giữa 2 bên ký kết và không được phép đi thu lưu động tại nhà người dân mà chỉ được thu tiền tại các Quầy thu đã đăng ký.

- Hợp đồng thu hộ đều có điều khoản bảo lãnh, chịu trách nhiệm đến cùng cho tất cả các trường hợp thu hộ tiền điện khi khách hàng xuất trình chứng từ chứng minh cho việc đã thanh toán tiền điện.

- Hàng ngày Công ty Điện lực Hải Phòng và các đơn vị thu hộ đều thực hiện đối soát số liệu tất cả các giao dịch thu hộ tiền điện.

- Đối với các khách hàng có chứng từ chứng minh việc đã thanh toán tiền điện qua bất kỳ tổ chức Ngân hàng, trung gian nào nhưng chưa được gạch nợ tiền điện, Công ty đều phối kết hợp kiểm tra và trả lời khách hàng kịp thời.

Một bạn đọc (Xã Xuân Đám, huyện Cát Hải) - 19/07/2019 15:28
Việc thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt khá tiện ích, phù hợp với người trẻ tuổi và dùng điện thoại thông minh, nhưng lại gây khó khăn cho người già, người nghèo ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là những người không sử dụng bất cứ điện thoại gì, vậy Công ty Điện lực sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào?
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Nguyễn Hữu Hưởng

Thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng, tuyên truyền đến từng người dân và đưa ra phương thức thanh toán phù hợp với từng đối tượng khách hàng, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để thực hiện ngày càng tốt hơn. Công ty cam kết tiếp tục hoàn thiện hơn nữa công tác dịch vụ khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của KH.

Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của khách hàng, nhấn mạnh những ưu điểm, thuận tiện khi thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, để quảng bá dịch vụ này, 100% CBCNV đơn vị đã đi tiên phong đăng ký thanh toán tiền điện qua ngân hàng... 


Còn về phía khách hàng, tại các điểm thu, Công ty đã bố trí thêm cán bộ kết hợp với nhân viên ngân hàng, kịp thời tư vấn, giới thiệu các tiện ích; hỗ trợ khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những góp ý xây dựng, từ đó, từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, Công ty còn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ hơn những tiện ích mà dịch vụ này mang lại cũng như cơ chế khuyến khích từ phía ngân hàng, tạo sự đồng thuận và tự nguyên cho khách hàng khi đăng ký tham gia dịch vụ.

Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel áp dụng ví điện tử ViettelPay vào chương trình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.Viettel Pay với nhiều tiện ích, tính năng như một ví điện tử tích hợp không chỉ riêng đối với các thuê bao của nhà mạng Viettel mà những thuê bao của các nhà mạng viễn thông khác cũng có thể sử dụng dịch vụ này để thanh toán hóa đơn tiền điện một cách dễ dàng. Viettel có một mạng lưới phủ rộng khắp, kể cả vùng nông thôn. Đây là một trong những lợi thế mà EVN quan tâm với địa bàn quản lý rộng khắp các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu vùng xa, đồi núi vẫn có thể áp dụng tiện ích này.

Trân trọng cảm ơn câu trả lời của ông Nguyễn Hữu Hưởng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng.

Thưa quý vị và các bạn, với chiếc điện thoại này giờ đây không chỉ còn được dùng để nghe gọi, nhắn tin, mà giờ đây đã có thể giúp tôi và tất cả chúng ta nộp tiền điện, nước, học phí, viện phí và rất nhiều các khoản thanh toán dịch vụ khác.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thanh toán không sử dụng tiền mặt trở thành xu thế tất yếu khi mang lại nhiều tiện ích rõ rệt, như tránh các rủi ro phát sinh như tiền giả, nguy cơ bị trộm cướp; giúp cho quá trình thanh toán nhanh chóng - tiện lợi - an toàn - bớt chi phí; giao dịch an toàn hơn, giảm chi phí quản lý - kiểm đếm - in ấn tiền; minh bạch hóa các giao dịch; chống thất thu thuế; giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn; huy động thêm vốn cho nền kinh tế…

Như vậy, mỗi người dân chúng ta thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn góp phần tác động tích cực, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động có hiệu quả.

Và với các giải pháp đang triển khai, tin tưởng rằng trong năm 2019 ngành điện sẽ đạt được yêu cầu Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 02: tăng gấp đôi số người sử dụng thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán điện tử.

Thưa quý vị và các bạn, cuộc đối thoại trực tuyến lần thứ 19 trên Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng xin được kết thúc tại đây.

Sau đây, xin kính mời ông Nguyễn Kim Pha, Chánh Văn phòng UBND TP có bó hoa tươi thắm chúc mừng thành công của phiên đối thoại trực tuyến tới ông Nguyễn Hữu Hưởng – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng.